TRUNG THU HÀN QUỐC VÀ TRUNG THU VIỆT NAM CÓ GÌ KHÁC BIỆT?

Văn hóa - 2023-09-29 11:18:49

Cùng nằm trong nhóm nước đồng văn, văn hóa tổ chức lễ Trung thu mang ý nghĩa một lễ hội giữa mùa thu, tổ chức thường niên với hi vọng mang đến một cuộc sống vui vẻ, tương lai tươi sáng đầy khát vọng cho tất cả mọi người. Bởi thế không chỉ ở Việt Nam mà tại Hàn Quốc, lễ hội Trung Thu cũng được tổ chức rất bài bản cùng nhiều nét văn hóa riêng đặc trưng cho mỗi quốc gia. Hãy cùng so sánh một số điểm khác biệt của Trung Thu Việt Nam và Trung Thu tại Hàn Quốc.

1. Ẩm thực

Không phải tự nhiên mà cứ tháng 7, tháng 8 đã thấy bánh Trung Thu được bán đầy phố phường ở Việt Nam. Trung Thu mà không có bánh Trung Thu? Nghe như vậy thôi cũng đủ để hình dung loại bánh khung tròn hoặc vuông, vỏ bánh làm từ bột, bên trong có nhân đậu xanh, hạnh nhân, thập cẩm… có mặt trong mỗi gia đình vào dịp lễ này. Bánh Trung Thu không còn khó làm bởi công thức của nó có rất nhiều trên diễn đàn. Dần dần bánh trở nên phổ biến và đa dạng hơn rất nhiều.

Nguồn: Internet

Còn ở Hàn Quốc, mỗi dịp Trung Thu lại không thể thiếu Songpyeon – một loại bánh đặc biệt được làm từ bột gạo, các loại hạt đậu, đỗ, mè, đặc biệt là lá thông và lá dừa. Nhìn bề ngoài, Songpyeon có hình dạng khá giống há cảo Trung Quốc, nhưng thiên về vị ngọt hơn là mặn. Người Hàn Quốc có quan niệm, những người con gái nặn bánh Songpyeon càng khéo thì sau này, càng trở thành một người con dâu đảm đang và được lòng nhà chồng.

Nguồn: Internet

2. Tục thờ cúng

Nếu ở Việt Nam không quá quan trọng việc thờ cúng trong dịp lễ Trung Thu, mọi người đều xem như là ngày Rằm của mỗi tháng. Ở Việt Nam chú trọng đến những hoạt động giải trí, vui chơi cho trẻ em hơn là một nghi thức trang trọng.

Nguồn: Internet

Thì ở Hàn Quốc, lễ Trung Thu làm một trong những dịp quan trọng để thờ cúng và tưởng nhớ đến tổ tiên. Mọi người bắt đầu nghi lễ từ sáng sớm với mâm cỗ đầy đủ thức ăn và rượu. Nghi thức này được xem như phong tục tảo mộ vào Tết Thanh Minh ở Việt Nam.

Nguồn: Internet

3. Hoạt động trong ngày Trung Thu

Trẻ em Việt Nam và cả những thế hệ cha chú đi trước đều không lạ lẫm gì với cụm từ “múa lân”. Trước khi Trung Thu đến khoảng 2 tháng, khắp đường làng ngõ xóm đã nghe tiếng trống cắc tùng vui tai, cùng những đầu lân xanh đỏ treo khắp phố phường. Là một trong “tứ linh vật” của Việt Nam, kì lân tượng trưng cho một thế giới bình an, không có ma quỷ và những điều xấu. Mô phỏng lại hình tượng đó, thường có 2 đến 3 người múa trong một đầu lân, thực hiện những động tác linh hoạt bắt mắt. Thu hút trẻ con và cả người lớn.

Nguồn: Internet

Còn ở Hàn Quốc, múa Ganggangsullae được xem như hoạt động phải có trong dịp Trung Thu hằng năm. Vào buổi tối, những người phụ nữ mặc hanbok truyền thống, cùng tụ họp ra sân làng, nắm tay nhau tạo thành một vòng tròn kín, vừa hát vừa nhảy múa. Đây là biểu tượng cho một mong ước mùa màng thuận lời, trọn vẹn. Biểu tượng cho sự sinh sôi, nảy nở, cho thiên chức duy trì thế hệ của người phụ nữ. Mong sẽ sinh ra được những thế hệ mới, tài giỏi và khỏe mạnh. Đây là sự kết hợp vẻ đẹp thiên nhiên với con người, đặc biệt là vẻ đẹp của những người phụ nữ.

Nguồn: Internet

Trên đây là ba điểm khác nhau rõ rệt nhất của lễ hội Trung Thu ở Việt Nam so với Hàn Quốc. Dù là ở quốc gia nào, thì mỗi dịp lễ hội diễn ra cũng là lúc để mọi người quây quần bên nhau, cùng ôn lại chuyện cũ, và có thời gian ấm áp, vui tươi với người thân của mình. Đó mới là ý nghĩa thực sự của Trung Thu.

Đăng ký nhận tài liệu!

Master Korean sẽ liên hệ ngay sau khi bạn hoàn tất thông tin đăng ký dưới đây.



Đăng nhập để viết bình luận

0 Bình luận